Skip to main content

Cao Lộc: Nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt Bảo Lâm

Thời gian qua, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng, UBND huyện Cao Lộc đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt Bảo Lâm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Hồng không hạt Bảo Lâm là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, từ năm 2018, trên cây hồng xuất hiện bệnh thán thư, bệnh giác ban, rệp… gây hiện tượng rụng quả, tỷ lệ rụng từ 30 đến 80% khiến nhiều hộ thất thu.

jhym

Người dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng

Trước thực tế đó, UBND huyện Cao Lộc đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân các biện pháp phòng trừ. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tích cực đi kiểm tra thực tế vườn. Trong khi chưa tìm ra thuốc đặc trị các loại bệnh này, phòng đã hướng dẫn người dân theo dõi vườn thường xuyên, thực hiện cắt tỉa cành bị nhiễm nặng, bón phân cân đối tăng cường dinh dưỡng cho cây hồng.

Đến năm 2020 và năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã mời Công ty Cổ phần Thanh Hà (Hà Nội) và Công ty Cổ phần Sinh học Mùa Vàng (Hà Nội) đến khảo sát vườn hồng bị bệnh và đã tìm ra thuốc đặc trị phòng trừ bệnh cho cây hồng, giúp phục hồi cây, hạn chế rụng quả.

Bên cạnh đó, hằng năm, phòng chuyên môn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng hồng. Theo đó, mỗi năm, toàn huyện trồng mới từ 30 đến 40 ha hồng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh kết hợp tham quan mô hình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con nông dân. Từ năm 2021 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức được 11 lớp tập huấn cho người dân tại các xã, góp phần nâng cao kinh nghiệm sản xuất.

Ông Lộc Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm, xã Hải Yến cho biết: Năm 2019, được Phòng NN&PTNT huyện tuyên truyền, tập huấn, các thành viên tổ hợp tác đã tiến hành sản xuất hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó, năng suất, chất lượng được nâng lên. Hiện, tổ hợp tác có trên 12 ha hồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 60 tấn (tăng khoảng 10 tấn so với năm 2021).

Ngoài ra, huyện Cao Lộc cũng chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển thương hiệu cho sản phẩm hồng. Năm 2020 và 2021, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm của Hợp tác xã sản xuất cây củ quả sạch Hòa Cư và Tổ hợp tác sản xuất Hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cùng đó, năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã kết nối với Công ty Cổ phần Tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tư vấn khởi nghiệp (Lạng Sơn) đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.

Các giải pháp trên  đã giúp phục hồi, mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng hồng. Hiện, toàn huyện có trên 462 ha hồng, trong đó có 30 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu phân bổ tại các xã: Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Bảo Lâm, Thanh Lòa… Sản lượng năm 2022 ước đạt 1.500 tấn (tăng 200 tấn so với năm 2021). Hiện nay, người dân đang bước vào vụ thu hoạch, giá đạt từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg (tăng khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với năm 2021).

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hồng Bảo Lâm là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu chủa huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để nâng cao năng suất, phát triển hồng không hạt Bảo Lâm, hằng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch phấn đấu trồng mới 30 đến 40 ha. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tập huấn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, mở rộng diện tích cach tác theo hướng VietGAP và đặc biệt xây dựng thương hiệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

nguồn "Báo Lạng Sơn Điện Tử"

About